Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2012

SỰ THAY ĐỔI NGOẠN MỤC CỦA CÔ NÀNG BƯỚNG BỈNH

Sau đây là bài Xúc cảm cá nhân của Phạm Thị Yến - cựu trưởng nhóm năm 2011.

Bản thân tôi đã từng là một con bé nghịch ngợm, ngang tàn và bướng bỉnh, có lẽ còn hơn khá nhiều bạn nam khác. Tôi sống và làm việc theo cảm tính, thích thì làm, không thích thì chẳng ai có thể ép buộc được. Đôi khi nghĩ về mình tôi thấy buồn vô cùng. Nhiều khi tôi tự hỏi tại sao cuộc sống của mình lại vô vị đến như vậy?
Chứng nhận Phạm Thị Yến


Từ nhỏ, tôi đã phải theo bố mẹ rời xa quê hương, xa gia đình, bè bạn đến một nơi xa lạ. Cuộc sống mưu sinh đã cuốn bố mẹ tôi vào vòng xoáy công việc vì thế bố mẹ ít có thời gian dành cho tôi. Đến trường cũng chỉ là thú vui với tôi, mỗi khi hết chỗ để chơi. Vào cao đẳng, một mình nơi đất khách quê người càng làm tôi thấy mình đơn độc. Không gia đình, bạn bè bên cạnh, tôi phải làm quen với môi trường mới đầy thách thức. Với bản tính nghịch ngợm, ngang tàn, sẵn có tôi càng mặc sức vùng vẫy.

Rồi đến một ngày, như có một cái duyên cớ sắp đặt trước đã làm thay đổi con người tôi. Trước khi nghỉ tết Nguyên Đán, tôi được lớp cử đi tham gia buổi tập huấn tư vấn mùa thi. Tôi được sắp xếp vào cùng nhóm với hai anh cùng quê. Tôi nhanh chóng làm quen được với công việc. Qua tiếp xúc tôi được anh Trần Văn Đức giới thiệu tham gia vào một tổ chức tình nguyện. Tôi xin số điện thoại và hẹn nghỉ tết lên tôi sẽ tham gia vào tổ chức.


Phạm Thị Yến cùng thành viên chụp ảnh với anh chị em trong trung tâm


Buổi gặp mặt đầu xuân hôm đó tôi đã đi muộn. Nhưng với cá tính mạnh mẽ tôi đã nhanh chóng hòa nhập mình vào tổ chức. Tôi chăm chú lắng nghe những bài thuyết trình về hoạt động của nhóm. Tôi tham gia các trò chơi của nhóm hết sức nhiệt tình và được tìm hiểu về các hoạt động của nhóm. Những điều đó thật sự cuốn hút tôi. Ngay tối hôm sau, tôi cùng các bạn trong nhóm bắt đầu công việc đầu tiên. Chúng tôi đến với trung tâm nuôi dưỡng và bảo trợ xã hội tỉnh Hải Dương. Ở đó, tôi được gặp gỡ những hoàn cảnh hết sức éo le, những cụ già neo đơn, những người không nơi nương tựa, những em nhỏ mồ côi… và còn rất nhiều hoàn cảnh khác nữa. Tình cờ tôi bắt gặp một ánh mắt rạng ngời, một khuôn mặt thông minh lanh lợi nhưng lại chứa đầy vẻ nhút nhát. Ánh mắt ấy đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi. Qua tìm hiểu tôi được biết em nhỏ ấy tên Duy, là một đứa trẻ mồ côi cha, mẹ thì bị thần kinh, em được trung tâm đón về đây từ nhỏ. Em ít nói và rụt rè, ngại tiếp xúc với người ngoài. Và sau đó, tôi đã quyết định xin với anh Đức – Trưởng nhóm được chịu trách nhiệm về em. Từ đó trở đi, ngoài giờ học tôi thường xuống trung tâm giúp đỡ mọi người một vài công việc, tối thì kèm Duy học. Chẳng mấy mà chúng tôi thân nhau như chị em. Tôi đã coi trung tâm như ngôi nhà thứ hai của mình. Tại đây, tôi tìm thấy tinh thần trách nhiệm, tìm thấy sự ấm áp và quan trọng hơn nữa là tôi thấy mình được sống vì một ai đó. Tôi tận tâm tận lực với công việc, một ngày không đến trung tâm tôi thấy nhớ vô cùng. Tôi nhớ có lần tôi hẹn đến trung tâm mà sau đó vì họp nhóm mà tôi không đến được. Hôm sau tôi nghe bác cùng phòng Duy kể rằng hôm qua tôi hẹn đến mà không đến làm Duy cứ đứng ở cổng chờ suốt mấy tiếng, ngoài trời gió lạnh, gọi vào nhưng nhất định nó không chịu vào nó cứ bảo thế nào hôm nay chị cũng đến vì chị đã hứa rồi mà. Tôi quay sang nhìn Duy, em cứ cúi gằm mặt nhìn xuống dưới đất rưng rưng hai dòn nước mắt. Tôi vội ôm em vào lòng, em bật khóc và nói: “Em tưởng chị sẽ không đến nữa”. Tôi không ngờ tình cảm em dành cho tôi lại sâu sắc sắc đến vậy. Và tôi đã tự hứa với em, tự hứa với lòng mình rằng sẽ không bao giờ thất hứa nữa.

Tôi không biết trong nhóm có bao nhiêu người đã tìm được niềm hạnh phúc giống như tôi tại nơi đây. Nhưng tôi chắc rằng mọi người cũng sẽ rất vui khi mỗi lần đến đây lại nhận được sự đón tiếp rất nồng hậu từ những thành viên trong trung tâm. Chưa đến cổng, chúng tôi đã thấy gần chục dáng người thấp thoáng chạy ra, sau đó người thì ôm, người thì bíu vai, bíu cổ hỏi han đủ chuyện. Nơi đây đã trở thành nơi gửi gắm yêu thương không chỉ của riêng cá nhân tôi mà còn của rất nhiều thành viên khác nữa. Đôi khi buồn phiền vì một chuyện gì đó tôi lại tìm đến nơi đây vì tôi biết rằng ở đây có người cần đến tôi và ít nhất tôi cũng không phải là người vô dụng, tôi còn sung sướng hơn những ai đang gánh chịu bất hạnh, đau khổ. Ngẫm nghĩ lại tôi thấy mình thật hạnh phúc!

Sau một năm hoạt động, không chỉ tôi mà còn cả gia đình, bạn bè đã nhận thấy sự thay đổi rõ rệt ở con người tôi. Tôi biết vui nhiều hơn biết buồn, biết hạnh phúc nhiều hơn đau khổ. Nhưng niềm hạnh phúc nhất của tôi là khi các em khoe với tôi nhữn điểm 9, điểm 10 và cả giấy khen nữa. Tôi thấy mình thật có ích cho xã hội. Từ trong thâm tâm, tôi tự hứa với lòng mình phải cố gắng nhiều hơn, phải giúp đỡ được nhiều người trong xã hội hơn và tôi cũng mong rằng sẽ có nhiều người sẽ tìm thấy niềm vui trong công việc tình nguyện này như tôi.
Chứng nhận Bồi dưỡng nhận thức Đảng của Phạm Thị Yến


“Mỗi người sinh ra đều có hai cánh tay, một cánh tay giúp mình và một cánh tay để giúp đời. Hãy để hai cánh tay đó cùng làm việc nhé!”

0 nhận xét:

Đăng nhận xét